Chúng tôi tạm gọi đây là hình tượng cặp đôi "Chị" - "Em". Hình tượng cặp đôi hiện hữu ở trong nhau như hai nửa của câu chuyện tình duyên. Nói một cách ví von, mỗi nhân vật trữ tình được xem như một nửa "nhịp cầu" của đời người trong tâm thế hướng về nửa phía bên kia. Họ nhận ra một nửa của chính mình qua tiếng nói hòa hợp. Họ nhìn thấy vẻ hoàn hảo của tâm hồn qua sự chia sẻ, cảm thông.
Bởi lẽ, một số khía cạnh dùng dằng của người "Chị" chỉ có thể hiểu rõ qua cái nhìn của người "Em", và ngược lại, một nửa khắc khoải của người "Em" chỉ có thể cắt nghĩa rõ ràng hơn qua niềm khát khao của người"Chị".
Nói cách khác, qua nhân vật người "Chị", người ta sẽ dễ dàng nhận thấy bản chất của người "Em", và trong đôi mắt mơ tưởng, si tình của người "Em", người ta cũng lý giải rõ hơn nét duyên dáng tình tứ của người "Chị".
Song không phải cứ hai người thì thành một cặp đôi, mà để trở thành một cặp phạm trù, tất nhiên chúng phải có mối liên hệ, khác tính. Sâu xa hơn là ý niệm về đôi lứa, vợ chồng được lồng vào nhau, thống nhất, chuyển hóa ở trong nhau như hai thành tố âm - dương. Mặt khác, cặp đôi ấy vừa hút vào nhau, hấp dẫn phía bên kia bởi cái đẹp dễ thương, lúng liếng đa tình, vừa "tương khắc", đẩy nhau theo sự ràng buộc lề lối, qui chuẩn khắt khe của luân lý đạo đức cộng đồng.
Thậm chí, đối với người "Em", người "Chị" luống tuổi còn hằn sâu, chập chờn khắc khoải với hơi thở, da thịt tươi mát nơi vườn xưa, ruộng rạ, đê làng. Tương tự những cặp đôi trong tâm thức cộng đồng, phải chăng, việc tìm về với cặp đôi "Chị" - "Em" của Hoàng Cầm là tìm lại một phần tươi tắn nhất của bản năng nguyên thủy vô tình bị loài người bỏ rơi, đánh mất.
Trong không gian thiên nhiên cây cỏ, núi sông, ruộng đồng tươi mát, hai nhân vật "Chị" - "Em" như hòa vào cùng hơi thở, ướm thử nhau qua các trò chơi dân gian như: tìm lá Diêu bông, đánh Tam cúc, tắm sông, lội ngòi... Nếu xét theo quan niệm hôn nhân những năm đầu thế kỷ XX, "Chị" - "Em" trong cái nhìn của Hoàng Cầm gợi lên những nghịch lý, vênh lệch về mặt tuổi tác, vì thế, gợi ra nhiều cách trở, ngang trái.
Tuy nhiên, hình tượng này không hoàn toàn xuất hiện lần đầu tiên trong sáng tác của Hoàng Cầm, mà ngay trong văn học dân gian, tục kết hôn giữa anh - em, chị - em cận huyết thống được người nguyên thủy xem như một điều phổ biến, bình thường. Dấu ấn của tục hôn nhân nối dây còn được duy trì, bảo tồn khá đậm nét trong sử thi Tây Nguyên.
Bước sang thời văn minh, kiểu kết hợp của cặp đôi cận huyết thống trong xã hội nguyên thủy được người ta xem như một kiểu kết hôn oái oăm, trái khoáy. Căn cứ vào kinh nghiệm sinh sản, khoa học di truyền người ta cấm kỵ khắt khe với kiểu kết hôn cận huyết thống. Mục đích là nhằm chống lại sự suy thoái, tàn tạ của giống nòi.
Nếu đặt cặp đôi"Chị" - "Em" trong tương quan hút - đẩy giữa hai chiều thuận nghịch với các quy ước ràng buộc, hằng định của thời hiện đại, thì kiểu kết hôn và tình yêu trên là nghịch lý, ngớ ngẩn. Nhưng nếu chấp nhận cặp đôi "Chị" - "Em" như một nét hồi quang của văn hóa dân gian, thì đây là điều hợp lý bình thường.
Trong cái nhìn của người "Em", "Chị" chính là hiện thân cho cái đẹp duyên dáng, thanh cao; là trung tâm hội tụ vào mình nguồn năng lượng siêu phàm nhất của sinh khí đất trời. Chị hằn in và tỏa sáng nhiều giá trị ứng xử của con người một vùng văn hóa. "Chị" hiện lên với vẻ đẹp tươi trẻ, mặn mà như những liền chị quan họ bên sông Đuống, sông Cầu môi trầu đỏ thắm"Những cô nàng môi cắn chỉ quết trầu/ Những cụ già phơ phơ tóc trắng" (Bên kia sông Đuống).
"Chị" kết tinh lấp lánh ở tục nhuộm răng sáng láng, rạng rỡ, vụt hiện trong tâm tưởng Hoàng Cầm và lan tỏa rộng khắp không gian làng quê Kinh Bắc"Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng" (Bên kia sông Đuống). Có thể nói rằng, bên cạnh sức tàn phá của chiến tranh hủy diệt, bao giá trị tinh thần của người Kinh Bắc vẫn luôn được nhân dân gìn giữ và bảo tồn. Nó lắng đọng trong hồn thơ Hoàng Cầm nói riêng và nét văn hóa ứng xử của người Việt nói chung.
Sau vụ Nhân văn - Giai phẩm, vẻ đẹp của người "Chị" tiếp tục được Hoàng Cầm ca tụng say sưa. Trong đó, Về Kinh Bắc chính là niềm giao cảm, niềm khát khao hạnh phúc của riêng ông với những người "Chị" lớn tuổi. Ông cảm nhận những nét riêng của người "Chị" vùng quan họ qua vẻ đẹp thuần hậu, với hơi thở trầu cay thơm mát, ấm nồng "Chị gọi đôi cây/ trầu cay má đỏ/ kết xe hồng đưa chị đến quê em" (Cây Tam cúc).
Rõ ràng, chừng nào Hoàng Cầm còn vương vấn với câu chuyện trầu cau, còn kiên nhẫn trở đi trở lại với "quá trình nhai trầu" (...) chuyển từ vị cay đắng, sang trạng thái nóng bỏng đến vị đậm đà, ngọt ngào với cảm giác khoan khoái, dễ chịu"([1]), thì chừng ấy, trong cõi lòng ông vẫn luôn tha thiết hai chữ lứa đôi và ước mong hạnh phúc vợ chồng.
Cho nên, khi khép lại các bài thơ Cây tam cúc, Lá Diêu bông, người đọc nhận thấy dư âm của tiếng xe kết "gọi đôi" vẫn còn vang lên khắc khoải. Trong con mắt người "Em" tuổi dậy thì, vẻ đẹp kín đáo, xếp nếp, sang trọng và nền nã của khăn - yếm - áo- váy người "Chị" vừa phô khoe hòa điệu với không khí vui nhộn của hội hè, vừa di động nhịp nhàng giữa không gian ruộng đồng Kinh Bắc.
Mặt khác, lại tự nhiên "thẩn thơ" đến "vô ý" khiến cho hơi thở nồng ấm, da thịt đàn bà cứ vượt thoát ra khỏi trang phục nội y, khiêu khích và hấp dẫn người "Em" bằng cái đẹp trẻ trung, đậm đà màu sắc nhục thể.
Sẽ là chưa mấy hợp lý nếu chúng ta tách biệt hai nhân vật trữ tình "Chị" - "Em" thành hai phạm trù đơn nhất, tách con người ra khỏi không gian làng quê. Bởi chỉ khi con người được hòa vào tự nhiên, bị xuôi khiến hồn nhiên bởi những nhu cầu của tự nhiên, khi ấy mọi ràng buộc khe khắt của qui ước cộng đồng sẽ không còn đủ sức kìm hãm, dị nghị; hay phân biệt địa vị, tuổi tác, phận vị sang hèn.
Kể cả những định kiến, thiết chế uy quyền quân chủ của làng mạc cũng không đủ sức răn đe, bóp nghẹt những nhu cầu thụ hưởng vẻ đẹp con người. Dường như, trong không gian bao la bát ngát, êm đềm của núi sông ruộng đồng, mọi án ngữ, trì níu và biết bao lo toan bề bộn của cuộc sống ngày thường không còn mấy trở ngại, và không ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tạo, khát vọng tự do chính đáng của con người.
Bối cảnh đẹp đẽ ở chốn"đồng chiều", "ổ rơm thơm", "vườn ổi" làm cho vạn vật cựa mình sinh nở, biến đổi khác thường. Ở đó, thiên nhiên chính là kẻ thứ ba xúi giục, xúc kích vào hơi thở, da thịt của hai chị em. Đồng thời, biến hai nhân vật trữ tình thành những kẻ đồng lõa! Trong bối cảnh lãng mạn ấy, dù muốn hay không, Hoàng Cầm vẫn phải nương theo cái nhịp nhàng, tươi mát và thoáng đãng của bầu sinh quyển đất trời, vẫn bị cuốn đi theo một tiếng gọi nào đó của tình yêu.
Trong không gian tự do, người ta nhận thấy, người"Em" đã "phớt đi" tất cả, sánh đôi cùng người "Chị" như cái đắm say của một cặp đôi từ thời tiền sử. Cũng có thể, họ đã bắt đầu cho chu trình sản xuất con người! Vì lý do đó, người "Em" luôn hoài nhớ đến những phút giây vùi đầu vào tóc"Chị"; cố níu, cố giữ cho bằng được cái thời khắc ngọt ngào bậc nhất còn đọng lại nơi ổ rơm kỷ niệm"Nghé hơi bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa Chị đừng đi" (Cây Tam cúc).
Hoặc một khoảnh khắc trên cánh đồng chiều sau mùa gặt, vẻ đẹp chòng chành của nếp váy Đình Bảng đã hấp dẫn người em một thuở đi tìm "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thơ đi tìm / Đồng chiều/ Cuống rạ" (Lá Diêu Bông). Độc đáo hơn, Hoàng Cầm còn mơ tưởng về một khu vườn tưởng tượng mà ở đó, vạn vật đều được kết cấu bằng sắc màu nữ tính "Em mười hai tuổi tìm theo Chị/ Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa/ Đi.../ Ngày tháng lụi tìm không thấy/ Giải yếm lòng trai mãi phất cờ" (Quả vườn ổi).
Trong cái nhìn của Hoàng Cầm, cặp đôi "Chị" - "Em" luôn hấp dẫn nhau, nhưng cũng mâu thuẫn với nhau "giận mà thương" như tính hai mặt của tình yêu "Ngày chị bảo em quên/ Em tơ tưởng sao bắt Em đừng nhớ/ Tha cho Em/ Tha Em/ "Sông thương nước chảy đôi dòng..."" (Nước sông Thương). Do sự hòa đồng nguyên thủy của con người vào thiên nhiên, cho nên người "Chị" chẳng cần ý tứ và không mấy mảy may đến khuôn phép, đạo lý luân thường mà mặc sức đỏng đảnh, làm duyên, phô bày hết cỡ vẻ đẹp "trời cho" trước con mắt người đàn ông đa tình.
Chẳng hạn, với lời nói bâng quơ, thách đố "Chị bảo/ Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông/ từ nay ta gọi là chồng", người "Chị" trong Lá Diêu bông của Hoàng Cầm vừa vượt lên sức tỏa chiết, nhốt nén tình yêu, vừa vượt thoát khỏi sự xếp đặt, gán gép của thiết chế quân chủ làng mạc. Tựa vào quyền uy của phái tính nữ quyền, thêm một lần nữa, Hoàng Cầm đã góp phần cưỡng lại cả một nghìn năm khuôn phép lễ giáo.
Kể cả khi cuộc đời người "Chị" đã yên vị, sang trang và bị trói chặt số phận với chồng con, thì niềm tiếc nuối vẫn hiện lên ở cái "chau mày", cái "lắc đầu" và nụ cười buồn xa xăm. Phải chăng, cái "phủ tay che mặt" không chỉ chất chứa nhiều ẩn ức, mà còn là cái thẹn thùng duyên dáng ngày xưa.
Đọc Lá Diêu bông, chúng ta liên tưởng đến tục tìm lá quí, lá độc, đố lá lạ của trai gái yêu nhau trong rừng mùa xuân của người Việt, người Mường ngày xưa. Rõ ràng, Lá Diêu Bông là một thứ lá "bịa đặt" hư ảo, không có thật ở trên đời, nhưng vẫn có trong tâm thức Việt, trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc kiểu "May thay giải cấu tương phùng/ Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa" (Truyện Kiều).
Thêm nữa, trong khu vườn sum suê, tươi tốt, hình ảnh người "Chị" mạnh mẽ phóng túng, ngỗ nghịch ngự trên đầu người "Em" với hơi ấm phồn thực phồn sinh phủ lên không gian ruộng đồng, khiến cho trái cây đều thơm chín "Cách nhau ba bước vào vườn ổi/ Chị xoạc cành ngang/ Em gốc cây/ - Xin Chị một quả chín/ - Quả chín quá tầm tay/ - Xin chị một quả ương/ - Quả ương chim khoét thủng/ Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau/ cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng" (Quả vườn ổi).
So với các nguyên tắc mĩ học văn học cổ điển, thì đây là một sáng tạo "đảo lộn" nghịch chiều. Nó khác biệt hoàn toàn với quan niệm đối xử, phân biệt nam nữ theo trật tự trên - dưới (Đàn ông trên nhà đàn bà dươí bếp), trong - ngoài (Đàn ông trong nhà đàn bà ngoài sân) như một vấn đề thâm căn cố đế trong sách đạo Nho.
Đặc biệt, Hoàng Cầm đã viết hoa hai từ "Chị" - "Em" và đặt họ trong thế cân bằng bình đẳng. Độc đáo hơn nữa, ông còn tổ chức hoán chuyển ngược chiều vị trí của người nữ, thay thế, điền chỗ vào ngôi vị của người nam. Rõ ràng, Hoàng Cầm là một người đàn ông, nhưng khi sáng tác, ông lại nhập vào vai người nữ, nói thay họ tình yêu của nữ giới.
Ông đưa yếu tố âm tính vào thống ngự trong thơ mình, góp phần làm sống dậy các giá trị văn hóa dân gian. Vì suy cho cùng, con người vừa là sản phẩm của xã hội, đồng thời vừa là một phần tất yếu của tự nhiên, thuận theo tự nhiên, tôn thờ thiêng hóa các tín ngưỡng từ tự nhiên.
Ông tiếp nối, làm tỏa sáng thêm truyền thống trân trọng người nữ, và làm giàu có thêm bản sắc văn hoá nữ trong thơ trữ tình. Nói cách khác, đó là sự ảnh xạ của tín ngưỡng thờ Mẫu mà dấu tích của nó còn hằn in bàng bạc khắp làng mạc, ruộng đồng Kinh Bắc.
Như vậy, suy cho cùng, người "Chị" cũng chỉ là một biến thể "chuyển vị" nhất quán từ người mẹ, nhưng người mẹ lại tách ra trở thành một phạm trù thiêng, có tính chất độc lập trong mối liên hệ với người con. Người mẹ có nhiều điểm khác biệt với người "Chị" về mặt tuổi tác, thế hệ và cảm xúc.
Bởi thế, việc ông gần gũi với người mẹ, nhớ về mẹ cũng chỉ bó quanh các cung bậc tình cảm thông thường mà khoa học tâm lý đã ít nhiều kiểm nghiệm như: người con trai bao giờ cũng suy nghĩ rất sâu sắc về mẹ, còn người con gái lại ưa gần gũi, thân mật với người cha.
Điều này đã được minh chứng, thừa nhận bằng cả một dòng thơ viết rất hay về người mẹ của nhiều nhà thơ nam trong văn học Việt Nam hiện đại([2]). Ngược lại, người "Chị" và "Em" luôn được ông đặt trong tương quan gần gũi với nhau, mặc dù có sự chênh lệch về mặt tuổi tác nhưng không nhiều.
Từ đó, có thể ước định tương đối về cặp đôi "Chị" - "Em" là những con người cùng đôi lứa, khác giới, hấp dẫn đặc biệt bởi cảm xúc rất lạ. Cặp đôi ấy đã hút vào nhau bởi cái nhìn mơ tưởng đa tình của người nghệ sĩ Hoàng Cầm.
Tựu chung lại, nét riêng của cặp đôi "Chị" – "Em" kết tinh trong tâm lý sáng tạo và quan niệm nghệ thuật của Hoàng Cầm. Nếu so với Nguyễn Bính, cặp đôi "Chị" - "Em" là một sáng tạo độc đáo, mới lạ của riêng Hoàng Cầm, vì nó không thiên về mối quan hệ gia đình thân tộc, mà liên quan mật thiết với những liền chị trong môi trường văn hóa quan họ.
Vì chỉ ở môi trường sinh hoạt nghệ thuật, vẻ đẹp của trí tuệ cộng hưởng với tư chất nghệ sĩ, với cách ăn mặc, xưng hô, ca hát, thậm chí có cả yếu tố đắm say mang đậm màu sắc xác thịt. Liền chị quan họ quyến rũ, chinh phục người nam bằng cái đẹp, cái tài.
Đến đây, người đọc sẽ trả lời được những thắc mắc vì sao "Em" lại muốn cưới "Chị". Người "Chị" trong thơ Hoàng Cầm vì thế thực sự tỏa sáng, kết tinh "nảy nòi" thành một phạm trù giá trị thẩm mĩ. Người "Chị" trong con mắt của Hoàng Cầm mang tính thẩm mĩ cao, hơn hẳn các sáng tác "minh họa" chung chung, hoặc vắt kiệt của một số nhà thơ thời chiến tranh.
Tuy nhiên, hình tượng người mẹ, người "Chị" không phải lúc nào cũng được viết như một kiểu nhân vật trữ tình định sẵn, mà hình ảnh ấy luôn thay đổi ở mọi lúc, mọi nơi. Tùy thuộc vào cảm hứng, hoàn cảnh sáng tạo của Hoàng Cầm mà hình tượng trên lộ ra hay mờ đi. Vì ngoài trung tâm ám ảnh của tín ngưỡng văn hóa dân gian, hình tượng ngươỉ "Chị" còn vô cùng sống động, bởi cuộc sống xưa nay vốn đa dạng, muôn màu.
Chẳng hạn, giữa cái bất ổn của thời loạn lạc, ông nhớ về người "Chị" và mong ước trở về với môi trường diễn xướng náo nhiệt, ấm áp tình nghĩa bạn bè và niềm vui lâng lâng trong ánh nắng mùa Xuân. Người "Chị" giai đoạn Về Kinh Bắc là những cảnh đời ẩn ức, trái ngang. Họ bị áp đặt, gán ghép do sự nhúng tay đối xử, phân biệt đến bất công ngặt nghèo của luân lý đạo đức cộng đồng "Chị đưa Em đến bến này/ cheo leo mỏm đá/ Trước vực/ Sau khe/ Thòng lọng tơ gì quấn gót/ Tua khăn bông còn buộc búp hoa lan" (Cỏ Bồng Thi).
Có lẽ, dư âm của lời ru vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ. Lời ru hằn lên niềm cảm thông cho một cuộc đời cay cực, thui thủi nuôi con một mình. Cũng có thể, do tâm lý sợ sệt, lo âu về thân phận mỏng manh bọt bèo chìm nổi, hoặc những dự cảm bất an khi con người phải lìa xa nguồn cội, thậm chí lãng quên, đánh mất chính mình.
Cho nên, trong tâm thức Hoàng Cầm luôn khấn bái, níu giữ cho mẹ và "Chị" trở về với thời thơ ấu, nhằm tìm kiếm một thế giới bình ổn lý tưởng. Nương vào vai người nữ trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, con người nhận ra rằng, mình được che chắn, bao bọc, cứu rỗi và thanh lọc tâm hồn "Bao giờ Mẹ về/ buộc yếm đào phai vỗ hát ru/ Khấn thầm như gặp Chị/ mắt nứa cứa tay Em/ vẫy đón đầu làng/ Khấn thầm như Mẹ lỡ đò ngang/ miệng hé hạt na nhòa bến vắng/ cỗ tay tròn đẫn mía gie" (Đợi mùa).
Hình tượng cặp đôi "Chị" - "Em" xuất hiện liên tục cho phép chúng tôi lý giải về sức sống bền bỉ, dẻo dai của các giá trị văn hóa phong tục, cũng như sức hồi sinh mạnh mẽ của tín ngưỡng phồn thực, và nét ứng xử rất mực dùng dằng của người quan họ trong hồn thơ Hoàng Cầm.
Sau giai đoạn Về Kinh Bắc, cặp đôi "Chị" - "Em" từng bước chuyển kênh thuận chiều, tương thích với các phạm trù thẩm mĩ của con người thời Đổi mới, vì thế người "Chị" không còn mang tính chất chuyển vị nữa. Cũng có thể, những ẩn ức nghẹn ngào của âm hưởng mẫu hệ về cơ bản đã được giải quyết thỏa đáng cho nên mọi tung phá, vùng quẫy và lắng đọng, trầm tích thành kỷ niệm trong con mắt si tình "phải lòng" của Hoàng Cầm cũng phai nhạt dần.
Rõ ràng, sự trút xả những tinh lực của ông vào vai người "Chị" ngày xưa đã phần nào nhường chỗ cho trải nghiệm tình yêu với hơn 13 người con gái đi qua cuộc đời Hoàng Cầm. Họ có mặt trong thơ ông và lưu dấu như một hòa giải, đền bù.
Cũng có thể, trong không khí chính trị, văn hóa, xã hội có nhiều thay đổi tác động đến nghệ sĩ Hoàng Cầm, khiến ông phần nào nhận thức, điều chỉnh lại ngòi bút, tìm kiếm thêm "một tiếng nói riêng, thi pháp riêng để giáng lâm cái hay muôn thuở, cái đẹp phi hình thể của nhà thơ"([3]). Bên cạnh đề tài cũ, ông còn tìm tòi, thể nghiệm thêm những đề tài mới, cho nên hình tượng cặp đôi "Chị" - "Em" cũng thưa vắng, nhạt dần.
Hình tượng cặp đôi "Chị" - "Em" thời kỳ Đổi mới không còn thôi thúc ông nhiều nữa. Bởi vậy, người "Chị" cũng bớt đi vẻ thanh tân hồn nhiên và giảm đi phần thiêng hóa. Thế chỗ vào sáng tác của ông giai đoạn sau này là những người con gái rất mực bình thường. Chính sự bình yên, thăng bằng trong nhịp điệu sáng tạo đã kéo theo những thay đổi về mặt thi pháp.
Chú thích:
[1]) Mai Ngọc Chừ, Văn hóa và Ngôn ngữ phương Đông, Nxb Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, tr. 191
([2]) Xin xem thêm Lưu Khánh Thơ, Hình ảnh người mẹ trong thơ Việt Nam hiện đại, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 10, 2007.
([3]) Đỗ Lai Thúy, Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1999, tr.201.
0 nhận xét:
Post a Comment