Thằng út kém tôi 3 tuổi, nó khờ khạo và không hiểu chuyện như tôi. Trong ký ức tôi, hình ảnh thằng út nhắm mắt, đứng dựa vào vách nhà khóc nức nở đòi áo mới mặc Tết đã in đậm không bao giờ quên.
Quê tôi ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày đó, quê tôi nhà ai cũng nghèo, trẻ con đứa nào cũng mong Tết về để được đi chợ Tết theo mẹ. Khoảng ngày 20 tháng Chạp trở đi, nhà nào cũng tất bật, từ việc xuống mạ cho nhanh, việc cào khoai tủ… để "lên bờ" sửa soạn đón Tết. Mẹ tôi nói: "Cả năm lam lũ, đói khổ, mong ba ngày Tết cho con cái có miếng ngon, có cái áo mới kẻo khổ thân chúng nó".
Khi cơn mưa phùn cuối năm nhẹ hạt dần, cây đào trước sân bắt đầu bung nụ, loài bướm trắng cánh mỏng tang bay từng đàn trước ngõ, cũng là lúc mẹ tôi gác việc đồng áng để sắm Tết.
Tôi còn nhớ như in, hôm đó là ngày 26 tháng Chạp (người dân quê tôi gọi là 26 Tết), tôi đi theo cha và anh lên đồi kiếm củi về nấu bánh chưng. Chúng tôi về nhà lúc chạng vạng tối. Cha tôi đặt bó củi xuống cái huỵch và nói "củi sim đấy, chắc và đượm lắm". Mẹ tôi ngồi rũ rượi bên thềm không nói gì. Khác với ngày thường, cha đi làm về, mẹ tươi cười hỏi han. Trời đã nhá nhem, mẹ chưa thắp đèn, bên trong tối om. Như đoán được có chuyện gì không vui, cha hỏi: "Sao ngồi đây, đèn còn dầu, sao không thắp lên?". Mẹ thở dài đáp: "Nhà mình coi như hết Tết rồi các con ơi".
Mẹ tôi nói trong nước mắt: "Chiều nay, mẹ đưa nếp đi xay về gói bánh chưng, mẹ quên tiền cất trong thúng nếp, nên xay vụn ra hết rồi". Nói xong, hai hàng nước mắt mẹ chảy xuống gò má nhăn nheo đen sạm. Mẹ ngồi đó, dựa vào vách tường đất sét trộn lẫn rơm, đầu tóc người rối bù, cái quần thâm đen xắn lên tận gối. Mẹ không nói gì, chỉ khóc. Cha ngồi phịch xuống đất, vò tay lên đầu, rứt rứt mấy sợi tóc đã ngả màu. Cha quay sang hỏi mẹ: "Sao lại ngớ ngẩn thế? Máy xé vụn hết rồi à? Có dán lại được không?".
Mẹ tôi lấy từ túi áo ra một nắm giấy vụn, từng tờ giấy bạc bị xé ra nát nhàu. Màu xanh lẫn màu đỏ. Mẹ nói: "Dành dụm cả năm, giờ thành nắm giấy vụn". Dòng nước mắt mẹ rỉ xuống kẽ miệng. Tôi thắp đèn lên. Cả nhà chăm chú vào nắm giấy, mong sao vớt vát được một ít. Thằng út chăm chú gắn từng mảnh tiền lại với nhau, loang lổ đốm xanh đốm hồng. Nhưng đành bất lực. Lúc đó, tôi chỉ thấy tiếc nhiều hơn là thương cha mẹ. Vì tôi biết, nếu không mất đi số tiền ấy, chúng tôi sẽ có cái Tết đủ đầy hơn. Đến lúc xa nhà, rồi mưu sinh trên đất khách quê người, tôi mới thấm thía nỗi nhọc nhằn của cha mẹ. Mỗi khi năm hết, Tết đến lòng tôi lại tê điếng khi nhớ lại câu chuyện ngày 26 tháng Chạp năm ấy.
Tháng mười hai, đêm xuống, sương lạnh. Sau bữa cơm, cha tôi nghiêm trọng gọi ba anh em tôi lên và bảo: "Cả năm cha mẹ dành dụm được mấy trăm bạc, cha mẹ đã cất tiền vào thúng nếp để trong rương lúa, số tiền ấy cha định sắm đồ trong nhà, rồi mua cho mỗi đứa một bộ áo quần mới. Giờ không còn nữa, các con mặc tạm đồ cũ. Khi nào có tiền, cha mua cho các con sau, không mặc đón xuân thì mặc đón hè".
Thằng út khóc ré lên, hai chân nó giẫm xuống nền nhà, lắc đầu quầy quậy. Nó không chịu mặc áo cũ. Nó nói bạn nó đứa nào cũng có áo mới. Nó khóc, nước mắt giàn giụa lem mặt. Thấy thế, mẹ tôi nói: "Thôi, nín đi, mai mẹ bắt cặp gà mái mơ ra chợ bán rồi mua áo cho con". Anh trai tôi nói: "Nhà mình có mỗi cặp gà, mẹ bán rồi lấy gì ăn Tết ạ". Cha nhìn mẹ thở dài.
Đêm tháng Chạp, mưa lây rây. Trời không rét căm căm như hồi cuối tháng 11 nhưng cũng khá lạnh. Ba chị em tôi ngồi học bài bên cây đèn dầu hỏa, ngọn hoa đèn nở ra 3 cánh, thằng út lấy đầu bút chì khêu ngọn bấc lên, đèn phụt sáng. Anh trai tôi sợ tốn dầu nên kéo tim đèn xuống vừa đủ sáng, thằng út kéo tim lên, nó bị anh mắng. Câu chuyện của ba anh em tôi xoay quanh vấn đề không có áo mới. Sau khi nghe anh tôi giảng giải, thằng út bằng lòng, nó hứa sẽ không đòi mẹ mua áo nữa. Trông nó có vẻ ấm ức.
Tôi nhớ mãi sáng hôm đó, khi ba anh em chúng tôi thức dậy, mẹ đã trói chân cặp mái mơ để sẵn trong làn chuẩn bị ra chợ. Thấy thế, thằng út chạy đến bên mẹ: "Mẹ ơi, Tết nay con không cần áo mới đâu ạ. Mẹ đừng bán gà nữa, để làm mâm cỗ cúng tổ tiên mẹ nhé!". Nghe vậy, mẹ tôi thả gà ra. Đến bây giờ, hơn 20 năm xa quê, dằng dặc nỗi nhớ thương da diết. Anh tôi và thằng út chẳng bao giờ biết được, hôm đó mẹ đã quay đi để giấu giọt nước mắt khi chúng tôi nói: "Mẹ ơi, Tết nay chúng con không cần áo mới".
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
0 nhận xét:
Post a Comment