Chàng trai Huế sẵn sàng ly hôn nếu vợ không sinh con trai
Công Hoàng - nhân vật chính trong tập 4 chương trình "Hành lý tình yêu" đang nhận vô vàn chỉ trích từ phía cư dân mạng sau khi tập 4 chương trình "Hành lý tình yêu" được phát sóng.
Trong gameshow, Công Hoàng cho biết, anh là người Huế và đưa ra những quan điểm "khắt khe" trong việc chọn vợ tương lai. Anh khẳng định mình sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai và lý giải: "Khi trong gia đình có giỗ kỵ, "con trai là trụ cột, còn con gái chỉ ngồi mâm dưới thôi".
Sau đó, Công Hoàng giải thích thêm: Thường ở các lễ cúng kỵ sẽ làm 2 mâm cỗ: mâm lớn dành cho phái nam, còn mâm dưới (có thể ngồi sau bếp) thì dành cho phái nữ.
Trả lời câu hỏi của đạo diễn Lê Hoàng về việc mâm trên và mâm dưới có gì khác nhau, Công Hoàng thật thà cho biết "khác nhau rất lớn": "Sau khi cúng bái tổ tiên, các của ngon vật lạ sẽ được dọn lên mâm trên, còn mâm dưới ít đồ ăn hơn. Nếu mâm trên ăn dư thừa đồ ăn thì "có thể" đưa xuống mâm dưới cho phụ nữ dùng".
Công Hoàng còn khẳng định, vợ tương lai của anh “không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc”. Giải thích cho yêu cầu khắt khe này, anh cho biết, anh chấp nhận những màu sơn nhẹ nhàng, chứ những màu nổi như vàng, đỏ là không chấp nhận được. “Tóc tai màu mè quá ba mẹ anh không chấp nhận được. Nhìn bạn gái nhuộm tóc hay sơn móng là em khó chịu lắm, không có thiện cảm. Em muốn thay đổi lắm nhưng không thay đổi được vì nó ăn sâu trong máu em rồi”, Công Hoàng giải thích với nhóm cố vấn.
Hiện tại, Công Hoàng đã khóa trang cá nhân, gỡ bỏ toàn bộ thông tin liên quan đến chương trình “Hành lý tình yêu” vì bị "ném đá" dữ dội.
"Việc thay đổi tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn cần một hành trình dài"
Chia sẻ với PV Dân Việt, chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: "Tôi nghĩ đây là sơ suất của gameshow truyền hình hoặc họ muốn lấy chàng trai này làm scandal để tăng sức nóng cho chương trình. Bởi, điều cậu ấy nói ra không chỉ đi ngược lại với chủ trương dân số mà còn trái với giá trị văn hóa mà chúng ta đang theo đuổi".
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: "Còn rất nhiều đàn ông có tư tưởng như Công Hoàng trong xã hội, tuy không nói ra nhưng nhiều người vẫn có tư duy cần con trai nối dõi tông đường, thừa kế gia tộc. Đây không phải chỉ là sự thừa kế tài sản mà còn là thừa kế những ước mong, suy nghĩ, trăn trở mà cuộc đời cha ông không làm được. Cách nghĩ "con gái là con người ta" chưa thể gột rửa một sớm một chiều. Chỉ có điều ít người "hung hăng", liều lĩnh tuyên bố " vợ không đẻ được sẽ ly hôn". Người ta biết họ sẽ bị xã hội đánh giá, chê cười nếu nói ra điều đó".
"Tôi cho rằng việc thay đổi tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn cần một hành trình khá dài, với sự vận động và phát triển của xã hội. Chừng nào việc nối dõi tông đường, kế thừa nòi giống vẫn còn nặng nề, thì chừng ấy những chàng trai như "chàng trai Huế" vẫn còn trong xã hội", chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình khẳng định.
0 nhận xét:
Post a Comment