Tháng 10 vừa qua, nữ diễn viên trẻ Dương Siêu Việt của làng giải trí Trung Quốc đã trở thành đối tượng bị công kích trên mạng xã hội vì trình độ học vấn thấp. Khán giả cho rằng cô không xứng đáng với vị trí thần tượng vì chưa học hết cấp 2.
Dương Siêu Việt, sinh năm 1998, nổi lên sau khi giành vị trí thứ 3 của cuộc thi tìm kiếm thần tượng trẻ tại Trung Quốc mang tên Sáng tạo 101. Cô sinh ra trong một gia đình nông dân ở Giang Tô (Trung Quốc).
Lên cấp hai, Dương Siêu Việt vì không có tiền trang trải học phí nên đã phải nghỉ học, rời quê lên Thượng Hải (Trung Quốc) mưu sinh. Cô từng làm công nhân ở xí nghiệp may, làm thuê quán cà phê trước khi tham dự cuộc thi tìm kiếm nghệ sĩ trẻ và trở thành thần tượng mới tại Trung Quốc.
Dương Siêu Việt không giấu lý do tham gia làng giải trí là vì thấy thông tin tuyển dụng nghệ sĩ tài năng, trong đó các thực tập sinh được bao ăn ở kèm tiền trợ cấp. Cô cũng thẳng thắn thừa nhận bản thân không phải người có năng khiếu nghệ thuật và phải nỗ lực rất nhiều khi tham dự cuộc thi.
Sau 3 năm gia nhập làng giải trí, Dương Siêu Việt trở thành ngôi sao trẻ sở hữu lượng fan đông đảo của làng giải trí Hoa ngữ. Cô hoạt động trong cả lĩnh vực ca hát và điện ảnh. Cô góp mặt trong một số bộ phim như Vũ Nhĩ Đồng Hành, Trường An Nặc, Tương Dạ 2, Ngôi Nhà Hạnh Phúc, Thần Y Hoàng Hậu…
Dương Siêu Việt không phải là nghệ sĩ duy nhất của Trung Quốc phải chịu cảnh bị cười chê vì trình độ học vấn không cao. Các thần tượng trẻ tại Trung Quốc như Vương Nhất Bác, Thái Từ Khôn, Mạnh Mỹ Kỳ vì theo đuổi đam mê đã ra nước ngoài làm thực tập sinh từ khi học cấp 2. Do đó, phần lớn họ đều chưa hoàn tất chương trình học cấp 3.
Tháng 9 vừa rồi, Vương Nhất Bác đã không thể tiếp tục vai trò MC của chương trình Thiên thiên hướng thượng dù anh nhiều năm là gương mặt thân thiết của chương trình. Được biết, nam diễn viên kiêm ca sĩ không thể tiếp tục công việc MC vì không có bằng cấp.
Nam ca sĩ La Chí Tường được xem là một tấm gương sáng về nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Khi còn nhỏ, vì nhà nghèo, La chí Tường chỉ học hết cấp ba và buộc phải tham gia một cuộc thi tài năng nghệ thuật. Dù không học múa hát chuyên nghiệp nhưng trong thời gian ở trong giới, anh đã phát triển được các kỹ năng bản thân.
Nhờ hát và nhảy tốt, diễn xuất lại xuất thần, La Chí Tường luôn có ảnh hưởng trong giới giải trí tại Đài Loan. Anh từng đạt danh hiệu "Á vương khiêu vũ". Nếu không phải vì bê bối ngoại tình, lăng nhăng vào năm 2020, La Chí Tường sẽ còn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Triệu Lệ Dĩnh cũng là một tấm gương sáng trong làng giải trí Hoa ngữ. Cô xuất thân từ một gia đình nông thôn, không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực nghệ thuật. Bộ phim đầu tiên mà Triệu Lệ Dĩnh đóng chính đã giúp cô gặt hái thành công và dần dần vươn lên vị trí sao hạng A tại Trung Quốc.
Triệu Lệ Dĩnh chỉ tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật, nhưng hiện tại, cô là một trong những minh tinh với thành tích nghệ thuật và khối tài sản đáng ngưỡng mộ của Trung Quốc.
Nam diễn viên Vương Bảo Cường, người được xem là một trong những "ông hoàng" của dòng phim hài Trung Quốc cũng xuất phát từ một gia đình nghèo và khó khăn. Anh từng khổ luyện học võ ở Thiếu Lâm Tự từ nhỏ.
Hiện tại, Vương Bảo Cường sở hữu khối tài sản 1 tỷ nhân dân tệ và là một trong những nghệ sĩ có vị thế trong làng giải trí Hoa ngữ dù xuất phát điểm không mấy thuận lợi.
Theo Sina, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc như Củng Lợi, Châu Tấn, Thư Kỳ, Thang Duy, Tạ Đình Phong đều chỉ học hết cấp 3, thậm chí bỏ học sớm. Tuy nhiên, phần lớn họ đều khẳng định được tài năng nghệ thuật và chứng minh bằng các sản phẩm nghệ thuật cùng các giải thưởng.
Yêu cầu bằng cấp văn hóa với nghệ sĩ Trung Quốc
Theo Sina, khán giả Trung Quốc rất coi trọng vấn đề học vấn của nghệ sĩ. Thời gian gần đây, nhóm nhạc thần tượng TNT bị khán giả phản đối vì vài thành viên của nhóm nhận kết quả thi đại học không tốt hoặc bị nghi ngờ về quá trình nhập học.
Nam ca sĩ Đồng Trác hay nam diễn viên Địch Thiên Lâm đã đánh mất sự nghiệp chỉ vì gian dối về bằng cấp. Trong khi những nghệ sĩ có thành tích tốt trong học tập như Dịch Dương Thiên Tỉ, Trương Tân Thành... luôn được khán giả yêu mến.
Từ tháng 9/2021, giám đốc Hiệp hội Biểu diễn Thương mại Bắc Kinh đã đề xuất việc cấp thẻ chứng nhận chuyên môn với diễn viên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất việc nghệ sĩ phải có học vấn bậc đại học, được đào tạo về diễn xuất. Ngoài ra, tiêu chí học vấn cũng sẽ được xét trong quá trình trao giải thưởng nghệ thuật.
Tới tháng 11 này, cơ quan quản lý văn hóa của Bắc Kinh (Trung Quốc) đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các đơn vị quản lý ngôi sao phải đảm bảo những thần tượng chưa đủ tuổi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc.
Theo đó, các cơ quan quản lý cũng cấm người ở độ tuổi vị thành niên tham gia các hoạt động ủng hộ thần tượng của họ. Đây được cho là động thái trong loạt hành động "thanh tẩy" nền giải trí Hoa ngữ và văn hóa thần tượng tại Trung Quốc.
Công ty quản lý cũng đã được lệnh tiến hành kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt đối với các thần tượng. Panda Boys, nhóm nhạc nam trẻ nhất Trung Quốc gồm 7 học sinh tiểu học từ 7 đến 11 tuổi, đã bị buộc phải giải tán chỉ 4 ngày sau khi ra mắt vào tháng 8 vừa rồi sau khi có nhiều chỉ trích hướng vào công ty quản lý của họ.
Hiện nay, các cuộc thi tìm kiếm tài năng đang "mọc lên như nấm" tại Trung Quốc. Song, giới chức Trung Quốc đã ban hành nhiều quyết định nghiêm ngặt đối với các show thần tượng. Họ cho rằng, các chương trình này đã và đang khiến những người trẻ có suy nghĩ sai lầm khi cho rằng, chỉ cần gia nhập giới giải trí và nổi tiếng là cuộc đời sẽ khác.
Một số diễn viên vốn xuất thân từ cuộc thi tuyển chọn thần tượng, sau khi có danh tiếng được công ty quản lý lăng xê, giao vai diễn, dù chưa được đào tạo bài bản, chưa có kinh nghiệm. Nữ diễn viên Chương Tử Di bày tỏ sự bức xúc khi tham gia một show tuyển chọn diễn viên - Sự ra đời của diễn viên. Tại đây, phần lớn người chơi tham gia là các ca sĩ thần tượng.
"Vì sao nhất định phải làm diễn viên, lẽ nào diễn viên là nghề thấp kém đến vậy sao? Các bạn lại không biết khi có được một vai diễn, bạn phải dành bao nhiêu công sức cho nó, phải hy sinh thế nào mới có thể tạo nên nhân vật kinh điển khiến mọi người yêu thích. Nếu các bạn không có lòng tin thì đừng đứng lên sân khấu này", Chương Tử Di nói.
Sau đó, nữ diễn viên giải thích, chia sẻ của cô xuất phát từ sự lo lắng đối với sự phát triển của điện ảnh Trung Quốc khi nhận thấy, nhiều nghệ sĩ trẻ coi làm diễn viên là cánh cửa dễ dàng để nổi tiếng.
Đạo diễn Giả Chương Kha của Trung Quốc thì có quan điểm trái ngược. Anh cho rằng, nghệ thuật cần những gương mặt mới, những cá tính lạ lẫm. Nam đạo diễn nhấn mạnh rằng, người nổi tiếng nên được quản lý bằng pháp luật và các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, hơn là cấp thẻ hành nghề.
Ngoài ra, người hâm mộ cũng kêu gọi tẩy chay thái độ hành xử kém văn minh, miệt thị xuất thân và trình độ học vấn của nghệ sĩ. Do đó, việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề hay bằng cấp học vấn với giới nghệ sĩ vẫn là một vấn đề gây tranh cãi tại Trung Quốc.
0 nhận xét:
Post a Comment