Chương trình Tọa đàm trực tuyến "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" do báo điện tử Dân Việt tổ chức có sự tham gia của các khách mời: Ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV và đạo diễn, nhà sản xuất phim Nguyễn Hoàng Điệp.
Đây là sự kiện nhằm chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 diễn ra vào ngày 24/11. Buổi tọa đàm cũng là diễn đàn để trao đổi về các vấn đề xoay quanh công cuộc "chấn hưng văn hóa", nâng tầm các giá trị văn hóa của dân tộc trên cơ sở kế thừa truyền thống, phát huy lợi thế để hội nhập quốc tế.
Vào ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin.
Người nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng.
Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam "hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng".
Sau 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 1576-CV/VPTW, ngày 20/8/2021 về việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ chính thức diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức to lớn và quan trọng trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực vượt qua những thử thách và khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Hội nghị cũng là dịp nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Từ đó, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đây cũng là diễn đàn lắng nghe những đóng góp của các cơ quan, đơn vị, chia sẻ của các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ quyết tâm đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trao đổi với PV Dân Việt về tầm quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: "Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 như một "Hội nghị Diên Hồng" để chúng ta phát huy hết sức mạnh văn hoá, xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Bằng mọi cách phải làm cho văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Hội nghị sẽ tạo điều kiện để văn hóa thấm sâu hơn những vấn đề của kinh tế, chính trị, xã hội… để giúp cho văn hóa phát triển bền vững hơn.".
0 nhận xét:
Post a Comment