TS. Anatoli Sokolov (từ Matxcova)
Tính từ thời điểm đó đã xuất hiện những gia đình Việt-Nga đầu tiên. Có thể kể đến 3 người Việt Nam đã lập gia đình với những phụ nữ Nga. Nguyễn Khánh Toàn (khi học ở KUTV có bí danh Minin-ND) trong bản khai lý lịch, mục "Tình trạng hôn nhân" có ghi vợ là Tamara Melitonovna Chkhaidze, bác sĩ một nhà hộ sinh của Moskva. Theo các nguồn tư liệu khác, 2 sinh viên khác của KUTV cũng có vợ người Liên Xô là Nguyễn Văn Chân và Bùi Văn Bôn (khi học tại KUTV họ có bí danh là Prigornyi và Barsky-ND). Cũng chưa rõ các cuộc hôn nhân này có được đăng ký hay không, nhưng theo luật pháp hiện hành lúc bấy giờ, sống chung với nhau được coi là hôn nhân hợp pháp.
Những gia đình này chỉ tồn tại trong thời gian những người chồng Việt Nam sống ở Liên Xô.
… Một trong những người con của gia đình hỗn hợp Việt- Xô mà chúng tôi muốn giới thiệu là đạo diễn, nhà sản xuất phim và nhà biên kịch Konstantin Fam (hay còn gọi là Konstantin Fam-Malkin, Kosta Fam).
Konstantin Fam sinh ngày 13 tháng 7 năm 1972 tại làng Pervomaisky, tỉnh Kharkov, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô (tên khai sinh của anh là Nguyen Cong Fam-ND). Bố của anh là ông Nguyễn Công Tác, từng có hơn 10 năm tham gia hoạt động du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo quyết định của Chính phủ, ông được cử đi học ở Liên Xô, chuyên ngành kỹ sư xây dựng.
Tại Kharkov, Nguyễn Công Tác đã gặp Malkina Svetlana Naumovna, người sau đã trở thành vợ của ông. Bà Malkina sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái, có nhiều người thân đã mất trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Câu chuyện cuộc đời của bố mẹ đã ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách và thế giới quan sáng tạo của Konstantin Fam về sau này.
Năm 15 tuổi, Konstantin Fam vào học khoa múa rối, Trường Cao đẳng Sân khấu Dnepropetrovsk. Sau khi tốt nghiệp, anh chuyển đến Tbilisi làm việc trong một nhà hát, rồi sau đó chuyển về Chernigov. Năm 1993, anh lên Thủ đô Moskva làm việc trong các dự án truyền hình. Năm 1997, anh nhập học trường Điện ảnh Quốc gia VGIK. Từ năm 1988, Konstantin Fam chuyển sang viết kịch bản cho seri phim hài hước dành cho trẻ em Eralash.
Từ năm 2001, anh bắt đầu tham gia sâu vào các dự án điện ảnh, từ 2008 làm đạo diễn nhiều chương trình truyền hình. Năm 2011, Konstantin Fam tu nghiệp tại Viện hàn lâm điện ảnh New York, làm bộ phim ngắn "Chú nhím nhỏ" theo truyện ngắn của Grigory Gorin và sau đó, bộ phim này đã giành được giải Grand Prix của Liên hoan phim Sao Paulo ở Brazil.
Với tư cách là một đạo diễn, Konstantin đã trở nên nổi tiếng với bộ phim "Các chứng nhân" để tưởng nhớ các nạn nhân của trại tập trung Holocaust của phát xít Đức. Bộ phim bao gồm ba bộ phim ngắn "Đôi giày"(2012), "Brut"(2016) và "Cây vĩ cầm"(2017), tập trung thể hiện lịch sử của trại tập trung Holocaust qua "con mắt" của các "nhân chứng" rất độc đáo: Một đôi giày, một chú cún nhỏ, và một cây vĩ cầm.
Bộ phim đã được trình chiếu tại nhiều Liên hoan phim quốc tế và giành được những giải thưởng danh giá. Trong bộ phim điện ảnh thứ hai của mình, Kaddish (2019), đạo diễn một lần nữa theo đuổi chủ đề Holocaust. Theo đạo diễn, anh làm bộ phim này để tưởng nhớ mẹ của mình, và "để nhắc nhở thế hệ trẻ về thảm kịch đã xảy ra với mục đích ngăn không cho nó tái diễn trong tương lai".
Việt Nam vẫn được Konstantin Fam nhớ đến là quê cha đất tổ. Anh có dự định sẽ làm một bộ phim về Việt Nam. Đạo diễn trẻ tuổi này đã tìm hiểu lại quá trình làm bộ phim tài liệu "Việt Nam" của Roman Karmen năm 1955 và mong muốn bộ phim của mình sẽ được nhắc đến như một tác phẩm có nội dung phản chiến, như "Trung đội", "Ngày tận thế" của điện ảnh thế giới.
0 nhận xét:
Post a Comment