Sáng 17/11, tại Nhà hát Tháng Tám (117 Đinh Tiên Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đã diễn ra Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng tổ chức.
Ban tổ chức đã trao huy chương vàng cho 6 vở diễn: "Hố đen" (Nhà hát Kịch nói Quân đội); "Làng song sinh" (Nhà hát Kịch Hà Nội); "Thiên mệnh" và "Điều còn lại" (Nhà hát Kịch Việt Nam); "Con đò của mẹ" (Đoàn kịch, Nhà hát Công an nhân dân) và "Làm vua" của Công ty TNHH sân khấu Lệ Ngọc.
Theo bảng phân vai đã được Hội đồng nghệ thuật đề xuất Ban Chỉ đạo trao 28 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc và 16 Huy chương Đồng cho các diễn viên.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ Trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ: "Thêm một lần nữa, chúng ta thấy được sức sáng tạo, luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình Kịch nói, tạo nên liều vắc - xin tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Tôi rất mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên và thiết kế mỹ thuật, âm nhạc đã được quan tâm, đầu tư có chất lượng cao, tôi nhất trí với đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật đã nêu ra tại Liên hoan lần này.
Đánh giá tổng kết Liên hoan, NSND Trần Minh Ngọc Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhấn mạnh: "Với cái nhìn tổng quan về tổng thể liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc có thể thấy được sân khấu đang có nhiều thay đổi, đang có nhiều cái mới về nội dung và hình thức.
Đề tài được phản ánh trong Liên hoan rất phong phú, mới và có giá trị dự báo. Khán giả của Liên hoan đã được xem "Đường chân trời" của Kịch Hải Phòng nói về người phụ nữ trong xã hội hôm nay, xã hội hiện đại với những trăn trở kiếm tìm hạnh phúc.
Cũng nói về chiến tranh nhưng "Thiên định" của Hải Dương phản ánh sự sám hối của người lính đối phương trước sự tàn bạo đến phi lý của người Mỹ đối với người dân Việt Nam.
"Hố đen" của Nhà hát kịch Quân đội đề cập đến xã hội thời hậu chiến con người dễ bị lôi cuốn, bị hút vào những lối sống tiêu cực giống như vũ trụ bị hút vào hố đen.
"Thiên mệnh" (Nhà hát Kịch Việt Nam) là một vở diễn tốt cả về hình thức và nội dung là một lý giải mới về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ với những người em của mình sẵn sàng làm tất cả cho cho cơ nghiệp nhà Trần.
Vở "Điều còn lại" của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là vở về đề tài chiến tranh nhưng với nhiều tình huống cho phép khám phá đời sống nội tâm của nhân vật. Một vở kịch đạt tới sự thanh lọc về cảm xúc bi kịch.
Với vở "Ngược chiều gió" và "Cái ao làng" Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến Liên hoan sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại, phản ứng của "Ngược chiều gió" không chấp nhận lối sống giả dối thì "Cái ao làng" lại đặt gia vấn đề lấp hay không lấp cái ao mà dưới lòng ao chứa nhiều rác rưởi...
Từ góc nhìn đạo diễn đã thấy sự kế thừa những tinh hoa của thế hệ tiền bối, thế hệ đi trước. Những cái mới thường xuất hiện từ các đạo diễn trẻ, tác giả trẻ được đào tạo bài bản từ ngôi trường nghệ thuật. Một trong những yếu tố làm lên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này là nghệ thuật đạo diễn.
Hội đồng nhận thấy có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn là đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng đập vào thị giác (cách dàn dựng của đạo diễn sân khấu như NSND Lê Hùng, NSND Trung Hiếu, Lê Quý Dương, NSND Trần Ngọc Giàu …) và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm (như NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến...).
Nhân tố nổi bật thành công tại Liên hoan này chính là sân khấu kịch nói đã có một đội ngũ diễn viên trẻ, giàu nhiệt huyết, trong sáng tạo các hình tượng nhân vật. 28 nghệ sĩ được trao HCV lần này như: NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Bùi Phương Nga, Minh Hải, Tô Tuấn Dũng, Việt Hoa (Nhà hát Kịch Việt Nam), Nguyệt Hằng, Thanh Bình, Bá Anh (Nhà hát Tuổi Trẻ), Tiến Lộc, Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội), NSƯT Lê Thị Mai Phương, Lê Khả Sinh,
Trần Thị Thường (Nhà hát Kịch Quân đội), NSƯT Thanh Hiền, NSƯT Hoàng Tùng (Hội Sân khấu Hà Nội), NSND Lệ Ngọc, Văn Hải, Anh Tuấn (Công ty TNHH NT Sân khấu Lệ Ngọc), Đào Thanh Mai, Nguyễn Đăng Hoà (Nhà hát Công an nhân dân), NSƯT Trọng Huỳnh (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn)… không chỉ có kỹ năng chuẩn chỉ mà còn thể hiện được tài năng thực sự của chính mình.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp công lập, ngoài công lập, là đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động liên tục trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật kịch nói từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia Liên hoan; các đơn vị nghệ thuật Trung ương thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các đơn vị nghệ thuật địa phương.
0 nhận xét:
Post a Comment