Hai người là vợ chồng. Đinh Hoàng Anh là một tiến sĩ toán, học tại Belarus. Thái Tĩnh là một họa sĩ, học tại trường nghệ thuật ở Huế. Họ không chỉ là đôi bạn đời mà còn là đôi bạn văn chương nghệ thuật tâm đầu ý hợp. Hoàng Anh làm thơ và Thái Tĩnh vẽ. Thơ trong họa và họa trong thơ. Hơn thế nữa, họ còn tự phổ nhạc thơ mình, tự mình đàn hát, và thu âm những đĩa nhạc thơ vợ giọng chồng hát. Kèm theo tập thơ "Nhà tôi" là một đĩa nhạc mới tên gọi "Tiếng chuông" của Hoàng Anh – Thái Tĩnh gồm 8 ca khúc. Từ lâu nay trên khu nhà vườn của họ ở Sóc Sơn (Hà Nội) mà họ đặt tên là "Ngôi nhà bên bờ nước" thường có những cuộc gặp gỡ bạn bè vui thơ vui nhạc vui thiền vui sống. Đến đó mọi người được quây quần bên nhau, được hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ, được nghe gia chủ đọc thơ và hát, được ngắm nhìn tranh, và được thả mình trong phiêu diêu cảm xúc của mình lâng lâng, nhẹ nhõm.
NHÀ TÔI
Tác giả: Đinh Hoàng Anh – Thái Tĩnh
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021
Số trang: 101 (khổ 16x22cm)
Số lượng: 1000
Không đề giá bán
Thơ Đinh Hoàng Anh là một thứ thơ phiêu diêu thiền tính. Chị làm thơ như một phép tu tập thiền. Những câu thơ lời thơ giai điệu thơ cứ nhẹ nhàng nhịp nhàng như hơi thở, như lời thốt ra mà vô ngôn, như điệu nhạc cứ ngân nga đồng vọng. Có thể đọc thơ chị như câu kinh tiếng kệ. Lại có thể đọc như một tiếng ca dài không dứt. Vì thế Thái Tĩnh mới có thể hát thơ Hoàng Anh như thủ thỉ tâm tình, như ru ngủ vỗ về. Hát thơ và vẽ thơ.
Tập thơ mới "Nhà tôi" của Đinh Hoàng Anh tiếp tục cuộc chơi thơ họa của vợ chồng chị. Những bài thơ bốn câu của Hoàng Anh in ở trang bên trái bằng lối in thường trên nền chữ phóng bút. Ở trang bên phải là sự thể hiện bài thơ bằng thư pháp Việt của Thái Tĩnh. Mỗi trang họa thơ này đều có vòng tròn ở giữa và dấu đỏ ở tên hai tác giả. Nét chữ uốn lượn nhưng vẫn đọc rõ thơ, đọc rõ nhưng câu theo chữ uốn lượn làm thơ như dập dềnh rung rinh hơn. Đọc tập thơ này vì thế nên đọc chậm, nhìn chữ để nghe lời vọng vào tâm tưởng, và cứ lặng thầm để mình trôi theo mình như tan vào thinh không.
Mỗi bài thơ là một câu trả lời, một sự xác định "Nhà tôi", cho câu hỏi mở đầu "Nhà của tôi ở đâu". Nhà tôi ở khắp nơi, ở vạn vật. Ở tận chân trời, ở bên bờ bước, ở hành lang bệnh viện, ở cuối câu thơ dài, ở trên phím đàn, ở dưới bùn đen, ở nơi rễ non…
Nhà của tôi đâu nhỉ?
Nơi mái xưa bạc màu
Những ngón hoa thủ thỉ
trên phím thời gian đau
(tr. 34)
Nhà của tôi có phải
mảnh ao xanh cuối vườn?
Tiếng ếch mùa sen vắng
Vẫn thì thầm dâng hương.
(tr. 44)
Nhưng "Nhà tôi" cũng là cơn gió "thổi về từ miền hoang", là con đường "đi vào đêm sâu thẳm", là bóng lá "trên phím đàn nhẹ rơi", là luồng ánh sáng "dọi xuống từ đỉnh đầu", là miền mây trắng "nơi tôi quên tên mình"…
Nhà tôi là nỗi nhớ
từ trước khi chào đời
Nơi bến bờ xa ấy
Vẫn vọng về khôn nguôi.
(tr. 62)
Nhà tôi – từng giây sống
Hiện dần lên hình hài
Tan dần đi quá khứ
Và nhòa dần tương lai.
(tr. 68)
Như vậy, trong thơ Đinh Hoàng Anh nhà tôi là từng khoảnh khắc hiện hữu của con người sống trong vòng xoay luân chuyển của sinh trụ dị diệt. Con người xây những ngôi nhà vật chất để che chắn cho thể xác mình đâm ra tự bó buộc và cầm tù mình trong đó. Đó không phải là "nhà tôi" hiểu theo nghĩa những bài thơ này của Đinh Hoàng Anh. Phải sống từng giây với mọi biểu hiện của hữu và vô trong cõi trần, "thân như điện ảnh hữu hoàn vô" (Vạn Hạnh thiền sư), phải sống không phải như là sống, khi đó con người mới có thể mong tìm thấy "nhà tôi".
Nhà tôi không màu sắc
Nhà tôi không âm thanh
Nhà tôi không dáng hình
Trôi và trôi và trôi.
(tr. 100)
Trong vũ trụ đất trời và cõi nhân gian hỏi có cái gì không trôi, mà sao con người cứ phí sức hoài công níu giữ. Trôi và trôi và trôi – đó là nơi ở của con người. Lại chợt nhớ câu thơ Xuân Diệu "Cái bay không đợi cái trôi / Từ tôi phút trước sang tôi phút này". Sự sống chỉ là chớp thoáng.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội 28/10/2021
0 nhận xét:
Post a Comment