NSƯT Xuân Bắc: Xây dựng những vở chính kịch đậm giá trị nghệ thuật
Tại hội thảo trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam phát biểu rằng, việc tiếp nhận dễ dàng quá nhiều thông tin, loại hình giải trí trên nhiều phương tiện hiện đại đã dẫn đến việc thay đổi thái độ, suy nghĩ và sự tiếp nhận của nhiều tầng lớp khán giả đối với kịch nói.
Sự ảnh hưởng mạnh mẽ đó đã tác động đến sự thay đổi của nhiều đơn vị nghệ thuật. Để chiều theo thị hiếu của người xem, nhiều chương trình đã được xây dựng nhanh chóng, đáp ứng theo nhu cầu của khán giả. Từng có một khoảng thời gian, người ta đổ xô đi mua vé để xem hài kịch đơn giản hoặc những chương trình giải trí dễ dãi vào cuối tuần. Thậm chí, từng có thời kỳ, chính kịch được coi là một "món ăn khó" với khán giả. Kịch chính luận gần như bị lãng quên bởi không còn khán giả đến xem.
Theo NSƯT Xuân Bắc, trong thời gian gần đây, tình thế lại có nhiều thay đổi. Những trào lưu kịch giải trí có xu hướng đi xuống, những vở diễn chính kịch mang đậm giá trị nghệ thuật lại xuất hiện nhiều hơn.
"Kịch chính luận lên ngôi là một tín hiệu đáng mừng cho nền nghệ thuật sân khấu. Và sự lên ngôi này cũng có một lý do xác đáng đó là trong khoảng thời gian dài phải xem những vở diễn được dàn dựng có phần dễ dãi, với những tiếng cười đơn giản, thậm chí có phần "rẻ tiền" và đôi kèm theo yếu tố "sốc, sex" thì giờ đây, khán giả có cơ hội đắm mình vào không gian sân khấu thực sự và đến sân khấu không phải để xem mà là để thưởng thức nghệ thuật", NSƯT Xuân Bắc phân tích.
Đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, nhận thức rõ nhu cầu và thị hiếu của khán giả, trong những năm qua, dù phải đương đầu với nhiều sóng gió và thử thách nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn luôn thẳng đích hướng về phía trước, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ.
"Chúng tôi hiểu nhu cầu và thị hiếu khán giả để tự hoàn thiện mình và từ đó nâng cao chất lượng nghệ thuật của vở diễn chứ không phải để chiều theo thị hiếu của khán giả. Những vở diễn chính luận của Nhà hát đã đề cập tới nhiều vấn đề bức thiết của xã hội, đó là vấn đề tham ô tham nhũng như "Tai biến", "Dư chấn"; về tính sĩ diện con người như vở hài kịch chính luận "Bệnh sĩ"; về nhân cách con người bị tha hóa như "Lâu đài cát"; "Biệt đội Báo đen"; về giá trị của lòng tốt như "Người tốt nhà số 5", hay về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Đêm trắng".…
Trong đó có những vở diễn đã có con số đêm diễn kỷ lục như vở diễn "Lâu đài cát" đã đạt mốc biểu diễn 100 đêm chỉ gần 2 năm tính từ khi ra vở; vở hài kịch chính luận "Bệnh sĩ" tính từ khi dàn dựng đến nay đã được gần 300 đêm và còn tiếp tục đang được khai thác biểu diễn phục vụ khán giả. Có những vở diễn đặc biệt của Nhà hát Kịch Việt Nam như "Bão tố Trường Sơn", "Kiều"… diễn liên tiếp trong vòng một tuần lễ mà khán giả vẫn hỏi mua vé đi xem.
Có những vở diễn của Nhà hát đi diễn xuyên Việt trong gần 2 tháng trời ròng rã, đi tới đâu cũng nhận được những tình cảm lưu luyến của khán giả. Đã từ rất lâu, những buổi diễn tại rạp Nhà hát Kịch Việt Nam, sau khi vở diễn kết thúc, khán giả vẫn thường nán lại khán phòng để giao lưu với nghệ sĩ, bày tỏ cảm xúc của mình về vở diễn, về câu chuyện kịch… Đó là những dấu ấn, những động lực để chúng tôi cống hiến cho khán giả cũng như thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình", Xuân Bắc nhấn mạnh.
NSND Trung Hiếu: Mở rộng nhiều thể loại để tiếp cận khán giả trẻ
NSƯT Sĩ Tiến – PGĐ Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng như những Nhà hát trong cả nước đang rất nỗ lực để bảo tồn và duy trì sân khấu kịch kinh điển, đồng thời tiếp nhận, phối hợp và quy nạp những phương pháp và thủ pháp hiện đại. Trên sân khấu đã xuất hiện những yếu tố của tạp kỹ, của nghệ thuật viđêô, đưa kịch nói tiếp cận điện ảnh, mỹ thuật biểu diễn, mỹ thuật sắp đặt, những trò chơi dân gian, ca vũ dân gian…
"Đây không chỉ là nỗ lực để duy trì sự tồn tại cho kịch nói, đây còn là những thể nghiệm và thực nghiệm, góp phần đẩy kịch nói lên một tầm cao mới, theo kịp thời đại và trở thành một nhân tố không thể thiếu của nghệ thuật đương đại", NSƯT Sĩ Tiến bày tỏ.
Theo PGĐ Nhà hát Tuổi trẻ, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia trẻ về dân số. Các chỉ số phát triển xã hội ngày một được nâng cao, nhu cầu thụ hưởng văn hóa đang đòi hỏi nhiều hơn nữa những giải pháp mới.
Kịch nói - bên cạnh việc phản ánh đời sống xã hội cũng không thể tách rời nhằm từng bước nâng cao giá trị "chân - thiện - mỹ" cho các tầng lớp khán giả. Nhà hát Tuổi trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục đem đến cho khán giả những món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Trách nhiệm giữ mãi kịch nói, viết tiếp những ước mơ cho tuổi trẻ cũng có phần đóng góp của tất cả chúng ta và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ.
NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ, đứng trước những thử thách trong bối cảnh mới, Nhà hát Kịch Hà Nội đã nắm bắt được tình hình và có những bước chuyển mình để khắc phục và thay đổi hiện trạng. Định hướng của Nhà hát trong hiện tại và tương lai là trở thành một Nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm. Không chỉ kiên định với sở trường là các tác phẩm chính kịch, Nhà hát còn mở rộng và phát triển những chủ đề mới, thể loại mới để tiếp cận khán giả nhanh hơn, phù hợp hơn.
"Ngoài việc làm mới mình, không ngừng học hỏi sáng tạo, ban lãnh đạo Nhà hát rất tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ (nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn...) cơ hội thể hiện năng lực bản thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để các nhân tố trẻ được học tập, thực hành và trưởng thành. Ngoài ra, Nhà hát đã phát triển thêm một lĩnh vực khá mới mẻ đó là giáo dục với mong muốn tạo nguồn khán giả. Việc sân khấu thiếu vắng khán giả, tôi nghĩ đó là sự thiếu hụt từ "gốc"; từ "gốc" của nguồn "cung", từ "gốc của nguồn "cầu".
Trên thực tế, hai nguồn nhân lực "cung" và "cầu" lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sở dĩ nguồn "cầu" (khán giả trẻ) quay lưng lại với sân khấu là do họ thiếu sự tìm hiểu, hứng thú. Nghệ thuật truyền thống cần được đưa vào giảng dạy trên trường lớp ngay từ khi còn nhỏ. Bởi khi được sống và học tập trong môi trường có tính nghệ thuật, trình độ cảm thụ nghệ thuật của thế hệ khán giả tương lai sẽ được nâng cao theo thời gian. Nguồn "cầu" này sẽ là lượng khán giả tiềm năng chính trong hiện tại và tương lai của các Nhà hát.
Tuy vậy, có một thực tế cần phải nhìn nhận đó là nguồn "cung" vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, chưa đủ sức mạnh để kéo khán giả đến với sân khấu. Sự thiếu hụt nhân sự từ khâu kịch bản, âm nhạc, đạo diễn … đều là vấn đề bức thiết hiện nay.
Việc đưa nghệ thuật vào chương trình giáo dục chính khoá từ các cấp mầm non, tiểu học cũng giúp ích rất lớn cho công tác tạo nguồn nhân sự cho lĩnh vực nghệ thuật. Đó chắc chắn là nguồn nhân sự sẽ lao động, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trong tương lai không xa.
Tôi tin tưởng rằng, việc đầu tư cho con người là một đầu tư không bao giờ lo lỗ. Chính thế hệ trẻ là giải pháp và là hướng đầu tư đúng đắn, dài hơi cho sân khấu nói chung", NSND Trung Hiếu bày tỏ.
Ngoài ra, theo NSND Trung Hiếu, việc học hỏi, nâng cao trình độ bản thân là điều nên làm thường xuyên đối với bất cứ một nhân sự ở lĩnh vực nào. Các khoá đào tạo, các buổi giao lưu biểu diễn với các nước trên thế giới giúp các nghệ sĩ được mở mang, học hỏi và kích thích sự sáng tạo. Sự hấp dẫn của nghệ thuật nằm ở sự sáng tạo, độc đáo, dám nghĩ dám làm và dám thể hiện.
Những vở diễn cần bám sát với đời, phản ánh chân thực những vấn đề nóng hổi đương thời. Đồng thời, cần chú trọng hơn những nội dung về lịch sử, văn học và văn hoá của đất nước, dân tộc ta. Bởi đó chính là điểm đặc trưng, nét khác biệt tạo nên sức hấp dẫn và sức hút trong văn hoá và nghệ thuật của mỗi quốc gia.
0 nhận xét:
Post a Comment