Còn một điều nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không nói ra, đó là sống trọn vẹn mỗi ngày, sống với từng câu thơ, con chữ, từng nét bút chính là cách anh trả ơn cuộc đời này.
Tập thơ "Riêng một góc nhìn" ra đời bất ngờ trong hoàn cảnh dịch giã, chứa nhiều hồi ức trên giường bệnh cũng như giai đoạn tác giả từng bước tập đi. Thế nhưng, điều kỳ lạ là không chỉ phục hồi nhanh chóng về thể chất, Huỳnh Dũng Nhân còn trở nên mạnh mẽ hơn về tinh thần, và những câu thơ trong cơn đau đã nâng bước anh trở lại.
"Sài Gòn ơi những ngày xao xác gió
Bay miên man những dấu hỏi trĩu lòng
Gió lạc lối vào trăm miền hoài niệm
Có bao giờ ta tìm được ta không..."
Câu hỏi đó xuyên suốt cả tập thơ, nhưng trong bối cảnh vừa trải qua cơn bệnh nặng, tác giả chợt nhận ra: "Mong manh quá kiếp đời như giấc ngủ", hay "Thế giới này sẽ một lần như thế/ Lại cách ly giãn cách một kiếp người".
Và học cách ngồi yên, nhìn vào đáy lòng mình:
"Cảm ơn đời
Tôi đã biết
Ngồi yên
Tự giải cứu
Bằng cách viết
Trong tim".
Cảm nhận của một nhà báo kỳ cựu luôn dấy lên những linh cảm về một thế kỷ biến động và đầy mất mát:
"Những tháng ngày kinh khủng tiếp theo nhau
Như những bộ phim khó thể nào tin được.
Thế giới rùng mình trong vô vàn cái ác.
Cõi đời này lung lay.
Niềm tin chông chênh đến muốn tuột khỏi tay.
Thiên tai làm hành tinh ứa lệ.
Nỗi đau vụn vỡ.
Không lời nào bào chữa."
Có thể đó là những câu thơ bất lực, nhưng là gánh nặng của câu chữ và lương tâm người cầm bút:
"Đuối sức rồi câu chữ của tôi ơi?
Để mà nghĩ kiếp người
Đi. Yêu. Và viết lách...
Dăm cuốn sách cuối đời
Vài tỉ chữ trên báo".
Bởi một nhà báo như anh "Tay vẫn còn viết mãi/ Muôn thế sự cuộc đời/Mắt vẫn còn ghi lại/Những chuyện tình đơn côi".
Tập thơ còn có những bài viết về mẹ, về các bác sĩ đã cứu sống anh trong những ngày nằm viện, cả chuyến đi tốc hành lên Tây Bắc với tất cả vẹn nguyên cảm xúc trước khi bị ngã bệnh.
Tập thơ "Riêng một góc nhìn" với những suy nghĩ sâu sắc, phải chăng là tâm sự của một người vừa "chạm trán" cái chết mới cảm nhận trọn vẹn giá trị của cuộc sống?
- Sau khi được các bác sĩ tận tình cứu chữa và bà xã túc trực 24/24h, qua khỏi cơn nguy kịch, tôi mới biết mình vừa cách cái chết có gang tấc. Khi đã biết mình sẽ sống, tôi mới càng thêm quý thêm, càng trân trọng cuộc sống của mình.
Tôi nghĩ mình đã gần hết quỹ thời gian của tạo hóa lập trình cho phép, nên muốn tận hưởng, tận thu, tận dụng những ngày tháng còn lại để sống và viết, để chia sẻ yêu thương và để lại được điều gì đó cho bạn bè và gia đình, dù chỉ là một câu thơ, tôi viết ngay trên giường bệnh khi vừa qua cơn đột quỵ, viết bằng những ngón tay bàn tay phải còn cử động trên chiếc điện thoại cứ rơi lên rơi xuống.
Tôi hình dung như được tâm tình với mọi người khi viết, từ các bác sĩ đến người thân… Tôi cảm thấy cuộc đời thật đẹp khi ta sống có ý nghĩa và có tình yêu thương. Là người cầm bút mà không nói lên được điều gì trước cuộc đời duy nhất này của mình thì cuộc đời mình thật là vô nghĩa.
Vì sao anh cấp tốc ra mắt tập thơ trong thời gian chỉ vẻn vẹn 1 tháng?
- Tôi là người thích viết nói riêng và thích hoạt động nói chung. Từ khi có ý định in tập thơ là không bao giờ tôi rời xa mong muốn này. Nhờ các bài thơ tôi đã viết và đã đăng rải rác trên các phương tiện, tôi gom góp lại và viết thêm một số bài, rồi biên soạn thành một bản thảo hoàn chỉnh từ A đến Z.
Việc làm bản thảo tôi đã quen nên khá nhanh gọn, từ bìa, lời giới thiệu và mục lục. Tôi lại nhờ toàn các chiến hữu điêu luyện cộng tác nên mọi khâu làm bản thảo đều không phải chờ đợi, chỉnh sửa gì nhiều.
In ấn thời 4.0 cũng rất nhanh và hiện đại, dù mọi người đều làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội tại nhà. Tập thơ này chính là liều thuốc bổ giúp tôi vượt qua bệnh tật và là phương thuốc chống trầm cảm giúp tôi chống chọi với những ngày giam mình trong đợt cách ly xã hội.
Thơ có phải liều thuốc tinh thần cho anh sống tiếp qua mùa dịch?
- Tôi nghĩ rằng không chỉ là thơ giúp tôi sống qua mùa dịch, mà còn là vẽ, là hoài niệm một quãng đời đã qua, là lòng tin vào những gì tốt đẹp, là trông chờ vào sự may mắn, hay phép màu nào đó khi chúng ta đều đã nỗ lực vượt qua. Thơ là niềm vui nhưng cũng thể hiện những điều đó. Những con chữ là liều thuốc tuyệt vời.
Bản thân tôi đã nghỉ hưu, nghỉ cả làm việc cố vấn bán thời gian ở Trung tâm Báo chí, nhưng không thể nghỉ viết và xa cây bút được. Tôi đã ngưng mọi hợp đồng làm việc và giảng dạy với mọi nơi, nhưng không thể ngưng cái hợp đồng "sống và làm việc" với chính mình.
Xin cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân!
Tác giả Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo nổi tiếng chuyên về thể loại phóng sự, từng giữ chức vụ Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM và Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo.
Tác phẩm đã xuất bản: Nối dây cho diều (viết chung ), Những vòng sóng (viết chung), Kỷ niệm ngày sinh (viết chung), Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, Lãng mạn cùng cá sấu (Sách thiếu nhi); Ăn Tết trong rừng chó sói, Ký sự Xuyên Việt, Tôi đi bán tôi, Những người đi trong gió, Kính thưa Ô Sin, Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà Tây Tạng ( in chung với Đỗ Doãn Hoàng) (Phóng sự).
Ngoài ra, anh còn là tác giả tập truyện ngắn: Ba hồi chuông, Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối, tản văn Sao băng, Giọt lệ trên trời, cùng tập thơ Dã quỳ tím, Tự tình với Facebook, Ký ức chao nghiêng, Bỗng lại hờn lại nhớ.
0 nhận xét:
Post a Comment