Với hơn 10.000 hiện vật về Tây Nguyên, trong đó nhiều nhất là các dòng cổ vật về gốm, nhà sưu tập Võ Minh Luân ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang ấp ủ dự định tạo ra “ngôi nhà của chóe” để lưu giữ những giá trị văn hóa của Tây Nguyên cho thế hệ sau. Đồng thời, biến nơi này trở thành một bảo tàng về Tây Nguyên qua các tác phẩm nghệ thuật gốm.
Ngôi nhà ở đường Hải Triều, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được nhà sưu tập Võ Minh Luân xây dựng dành riêng cho việc trưng bày các hiện vật. Mỗi chi tiết kiến trúc của ngôi nhà, từ lan can, bậu cửa được anh thiết kế, lựa chọn tỉ mỉ và tìm kiếm vật liệu phù hợp.
Bên trong ngôi nhà, trên diện tích khoảng 500 mét vuông, bộ sưu tập “Tây Nguyên trên gốm” được anh sắp sếp theo từng tầng với niên đại và nguồn gốc khác nhau, đặt tên là “Đại Ngàn House”. Anh Võ Minh Luân cho biết, mỗi hiện vật đến với anh như một cơ duyên, có những hiện vật anh phải lùng tìm rất lâu mới có được nhưng cũng có những hiện vật anh được các nhà sưu tập lớn tặng lại.
Nhà sưu tập Võ Minh Luân (áo trắng) giới thiệu cho khách tham quan về niên đại và lịch sử của một số hiện vật được trưng bày. |
"Dòng gốm Thành Lễ là một trong các dòng Chóe mà tôi đang sưu tầm, không hề dễ mua. Bản thân tôi sưu tầm từ 2017 đến giờ nhưng có những hiện vật mua được có một cái thôi. Thậm chí ngày xưa có những nghệ nhân vẽ có đúng một cái. Nếu mình không giữ gìn, không sưu tầm thì nó cũng sẽ mất. Những họa tiết Tây Nguyên trên bình gốm thuộc các dòng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu cũng có. Rất nhiều lễ hội của Tây Nguyên mình trên gốm, như lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, săn bắt thú, đàn T’Rưng, hay lễ hội săn voi, có đầy đủ hết. Những dòng chóe như vậy nó rất quý giá ở Việt Nam mình, thậm chí giờ không còn nữa", anh Võ Minh Luân kể.
Hơn 10.000 hiện vật, từ các dòng gốm thời Đông Sơn, Lý, Trần, Lê, hàng trăm chiếc ché cổ thuộc các dòng Biên Hòa, Lái Thiêu, Châu Ổ, Quảng Đức, Gò Sành và nhiều hiện vật hình dáng, hoa văn hoặc công năng liên quan đến Tây Nguyên. Đây là bộ sưu tập mà anh Võ Minh Luân đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm trong hơn 3 năm qua. Anh Luân chia sẻ, nhờ tìm hiểu về gốm mà anh biết thêm nhiều điều về lịch sử. Với anh, mỗi hiện vật, nhất là đồ gốm không chỉ mang vẻ đẹp riêng biệt mà ẩn giấu bên trong câu chuyện về cuộc sống, văn hóa, tập tục của từng tộc người được nghệ nhân làm gốm xưa khắc họa lên sản phẩm.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk cho rằng, bộ sưu tập “Tây Nguyên trên gốm” là một “bảo tàng thu nhỏ về về văn hóa Tây Nguyên” độc nhất từ trước tới nay ở Đắk Lắk.
"Chúng tôi có sự gặp gỡ, trao đổi và động viên, mong rằng đây sẽ là một điểm đến về du lịch. Cố gắng làm sao để dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2021 sẽ khai trương điểm du lịch này, trở thành một trong những điểm đến của du khách khi đến với lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và sau đó là lâu dài. Thứ 2, để nâng tầm điểm du lịch đấy thì chúng tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ và động viên anh Luân nên biến nơi của mình thành một bảo tàng tư nhân để có thể mời gọi, kêu gọi được sự chung sức của các cá nhân, tập thể, cộng đồng trong nước, thậm chí là quốc tế để phát triển bộ sưu tập, phát huy bộ sưu tập đến với công chúng nhiều hơn", ông Đặng Gia Duẩn cho biết.
Trong số các hiện vật sưu tầm được, anh Võ Minh Luân yêu thích nhất là chiếc đĩa với họa tiết về biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là hiện vật anh được Nhà sưu tập Phạm Hải Long tặng lại. |
Kể về cơ duyên với việc sưu tập, anh Võ Minh Luân cho biết, ban đầu anh tìm hiểu về gốm vì muốn tìm các sản phẩm trang trí trong nhà. Sau đó, càng tìm hiểu anh càng thấy nhiều điều thú vị, những tác phẩm gốm khiến anh say mê, đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử hình thành đến khả năng lưu truyền.
Từ chỗ chỉ sưu tầm dàn trải cho vui, thấy hay hay là đem về, đến nay, được sự ủng hộ của gia đình, nhất là từ vợ, anh đã có nhiều bộ sưu tập khác nhau, cùng với bộ “Tây Nguyên trên gốm” được anh lưu giữ tại vùng đất Tây Nguyên, anh còn một bộ sưu tập lớn về văn hóa Sài Gòn đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh Luân còn là hội viên Câu lạc bộ nghiên cứu sưu tầm cổ vật, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam và là ủy viên ban chấp hành Hội nghiên cứu sưu tầm cổ vật tỉnh An Giang. Chỉ cần nghe ở đâu có gốm xưa độc đáo, bận mấy anh cũng gác mọi việc để sống với niềm đam mê sưu tầm.
Anh Luân bộc bạch, đi nhiều, tìm hiểu nhiều, anh càng phát hiện ra nhiều điều thú vị từ những hiện vật mà mình có được. Bên cạnh đó, anh cũng trăn trở nhiều điều, nhất là nạn chảy máu cổ vật và sự mai một của nhiều hiện vật văn hóa trong đời sống đương đại. Nếu không biết trân trọng, giữ gìn, những hiện vật đang hiện hữu sớm muộn cũng sẽ bị mất đi. Anh đang ấp ủ mong muốn xây dựng “Đại Ngàn House” trở thành một bảo tàng về văn hóa Tây Nguyên, một “Ngôi nhà của chóe” để lưu giữ những hiện vật về Tây Nguyên được trọn vẹn hơn.
"Mình mong muốn làm sao để sưu tầm được hết các loại chóe của Việt Nam, được sản xuất trên đất nước Việt Nam, do ông bà ta để lại. Mình sưu tầm y để làm sao sau này con cháu mình hay những người dân biết. Mình muốn biến nơi đây thành không gian nghệ thuật Tây Nguyên, thành một ngôi nhà chóe cổ, để cả thế giới biết được văn hóa Tây Nguyên đẹp, đặc sắc và đa dạng như vậy".
Yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, nhà sưu tập Võ Minh Luân yêu tất cả mọi thứ về Tây Nguyên. Từ thú vui với gốm, anh đến với tranh, sách, ảnh có chủ đề Tây Nguyên xưa và nay. Trong Đại ngàn House hiện có nhiều bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở tỉnh Đắk Lắk từng đạt giải cao ở khu vực, quốc gia và tham dự các triển lãm tranh quốc tế. Nhiều tác phẩm trong số ấy được chính tác giả tặng lại cho anh với hi vọng tác phẩm sẽ được lưu giữ lại trên chính mảnh đất Tây Nguyên mãi mãi./.
0 nhận xét:
Post a Comment