Để phổ cập cho trẻ yêu và ham thích cũng như nhớ lịch sử Việt, không gì hơn bằng cách tiếp cận qua văn học với hình thức truyện tranh…
“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Khi lịch sử được kể một cách phong phú, sinh động, chắc chắn sẽ tạo nên sức hấp dẫn đối với độc giả. Vì thế, việc dạy và học môn lịch sử trong các trường phổ thông hiện nay, có nên tham khảo xu hướng tiếp cận lịch sử qua những bộ truyện tranh?
Truyện tranh lịch sử Việt
Khởi đầu là NXB Trẻ với bộ “Lịch sử Việt Nam” rõ tính bao quát khi phản ánh đất nước và con người Việt Nam theo tiến trình lịch sử. Bộ sách được phát hành với hai hình thức: Bộ dày gồm 8 tập, chia theo từng giai đoạn phát triển đất nước; Bộ mỏng gồm 50 tập “dựng” theo nhân vật, sự kiện hoặc vấn đề tiêu biểu. Nhiều tập sách đã được tái bản đến 25 lần, cho thấy sự quan tâm của độc giả đến dòng truyện tranh lịch sử.
Bộ sách "Lịch sử Việt Nam bằng tranh". |
Bộ sách đã tái hiện lịch sử đất nước từ thời đại đồ đá, đồ đồng đến thời Hùng Vương dựng nước; qua hàng nghìn năm Bắc thuộc đến thời kỳ độc lập tự chủ với các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, kết thúc là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Cuối các cuốn sách thường có phần phụ lục giới thiệu hiện vật, dấu tích hay tài liệu tham khảo có liên quan.
NXB Kim Đồng cũng ghi dấu ấn với các tác phẩm: “Thành Rồng” (về lịch sử vị Hoàng đế đầu tiên chọn Thăng Long làm kinh đô và các anh hùng, danh nhân đã gắn bó với mảnh đất văn hiến này); “Cậu bé Rồng” (ca ngợi trí thông minh, lòng quả cảm của người Việt)…
Nhận thấy sức hút từ những câu chuyện kể về danh nhân nước Việt qua những truyện dài, tiểu thuyết đã ra mắt độc giả, NXB Kim Đồng xây dựng tủ sách “Tranh truyện lịch sử Việt Nam” với gần 30 đầu sách, gửi tới bạn đọc nhỏ tuổi câu chuyện về các tên tuổi lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Ỷ Lan...
Không đặt nặng tính tư liệu nhưng sách luôn bảo đảm tôn trọng tính xác thực của lịch sử, góp phần bồi đắp tình yêu của thiếu nhi với lịch sử dân tộc. Truyện tranh “Trần Nhân Tông” ra đời năm 2016, và liên tiếp in lại năm 2017, 2018, 2019… Các cuốn “Đinh Bộ Lĩnh”, “Lý Thường Kiệt”, “Lý Công Uẩn” đều đã in lại đến lần thứ 10. Bộ sách được làm theo kiểu nối dài, năm nào cũng được in lại, sẽ còn tiếp tục có các cuốn khác nữa ra đời.
Với quan niệm lịch sử Việt Nam không chỉ có các danh tướng mà còn có nhiều vị danh hiền, văn tài góp phần bảo vệ giang sơn xã tắc, bình trị thiên hạ, giữ gìn chính khí quốc gia, Đông A Books xây dựng bộ sách “Hiền tài nước Việt” gồm 10 cuốn truyện tranh về các danh nhân nước Việt xưa với phần tranh của Phạm Ngọc Tuấn, bộ truyện tranh “Hào khí Đông A” với tranh của Kim Duẩn, và cả hai bộ có phần lời của nhà báo, nhà văn Lê Minh Quốc.
Khoảng 5 năm trở lại đây, truyện tranh lịch sử có thêm sự tham gia của một số cơ quan, tổ chức như NXB Đại học Sư phạm, Công ty Phan Thị… với những bộ sách tiêu biểu: “Bác Hồ sống mãi”, “Thần đồng đất Việt”, “Truyện hay sử Việt”, “Danh nhân lịch sử”, “Danh nhân văn hóa”…
Nếu được đầu tư tốt sẽ thành công.
Năm 2016, cộng đồng truyện tranh Việt đón nhận một tin vui lớn từ cặp đôi tác giả Thành Phong - Khánh Dương khi tập 1 bộ “Truyền thuyết Long thần tướng” giành giải Bạc cuộc thi International MANGA Award lần thứ 9. Truyện lấy bối cảnh quãng thời gian trước khi diễn ra cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285).
Và như chất xúc tác để truyện tranh lịch sử Việt được các NXB chú ý đầu tư cả nội dung lẫn hình thức. Trong 3 năm trở lại đây, truyện tranh lịch sử Việt Nam thu được thành công nhất định, thị trường loại sách này cũng khá “hút”, với nhiều bản sách hay, sách đẹp vì được đầu tư kỹ lưỡng hơn.
Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề làm cho truyện tranh lịch sử Việt Nam chưa hoàn toàn “vượt khó” để phổ cập và lan tỏa trong bạn đọc tuổi thiếu niên nhi đồng. Yếu tố lịch sử chỉ thực sự hấp dẫn khi yếu tố nội dung- phần “lời” thật súc tích, cô đọng nhưng vẫn đủ mạch lạc, hấp dẫn, yếu tố hình thức- tranh vẽ và cách trình bày phải khiến người đọc cảm thấy “mãn nhãn”.
Hiện tại, nhiều cuốn truyện tranh có lời kể dài dòng, lời thoại gượng ép, nhiều đoạn dẫn thơ chưa đủ sức lôi cuốn trẻ. Về hình thức, một số bộ truyện chưa có sự nhất quán về phong cách vẽ chung (dù của một NXB), cỡ chữ còn nhỏ so với đối tượng bạn đọc là trẻ em, có truyện dùng phông chữ in hoa toàn bộ, làm rối mắt, khó đọc...
Ngoài ra cách tạo hấp dẫn để “bắt mắt” hay còn gọi chế độ “hậu mãi”, tạo cho cả bộ sách như một món quà cũng nên lưu ý, như các bộ truyện tranh nước ngoài họ làm có hộp đựng, có kèm bản đồ - sơ đồ dẫn dắt câu chuyện, chữ ký tác giả - dịch giả - họa sĩ, hay có các phiên bản bìa cứng, bìa mềm để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả.
Học lịch sử Việt bằng truyện tranh- Tại sao không? Nhìn thấy tiềm năng và lợi ích từ truyện tranh lịch sử, cần lắm cách nhìn chiến lược tầm xa, nếu được đầu tư công phu ở tất cả các khâu, từ biên tập, thiết kế đến quảng cáo, giới thiệu thì truyện tranh lịch sử Việt Nam sẽ là “hàng nóng” trên thị trường sách Việt.
Một cuốn truyện tranh mỏng, nhẹ, đẹp, không quá đắt tiền, dễ đọc lại bổ ích, nhất là có thể hỗ trợ trong việc học lịch sử Việt chắc chắn sẽ được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình./.
0 nhận xét:
Post a Comment