Cuốn sách "Con đã về nhà" do Tăng Quang và nhóm biên tập viên, cộng đồng du học sinh cùng nhau xây dựng nội dung, dịch song ngữ và các họa sĩ minh họa. Những cuốn sách đầu tiên đã có mặt tại Hà Nội, bản thảo đang được nhà xuất bản Phụ nữ gấp rút chỉnh sửa lần cuối. Dự kiến buổi ra mắt sách “Con đã về nhà” sẽ được tổ chức vào hai tuần đầu tháng 6 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
"Con đã về nhà" gồm các ký họa trong khu cách ly của một du học sinh. Ấn bản là lời cảm ơn quê hương, Tổ quốc, sẽ được bán để gây quỹ ủng hộ phụ nữ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. |
Tại thời điểm mà dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới, Việt Nam được coi là quốc gia an toàn trong tất cả các khâu chống dịch. Vậy là để đảm bảo sức khỏe cho tất cả người Việt, Tổ quốc đã dang rộng vòng tay đón đứa con thân yêu trở về. Những du học sinh như Tăng Quang chiếm phần lớn trên các chuyến bay hồi hương đó.
Là sinh hoạt đều đặn trong những ngày bình yên
Nếu như không thể trở về quê hương thì hầu hết tất cả trong số đều phải đối diện với cuộc sống bó hẹp, thậm chí là tình trạng mất kiểm soát dịch tại quốc gia sở tại. Thực hiện cách ly tập trung tại trường quân sự quân khu 7, tác giả Tăng Quang chia sẻ: “Sau bao ngày ăn ngủ đến u mê, mình lết dậy vẽ cái album ký họa này, ghi lại một khoảng thời gian rất đặc biệt trong cuộc đời… dù không hoa mỹ gì nhưng nó rất chân thật với những gì mình đã trải qua”. Và thế là những “chân thật” đó đã lần lượt xuất hiện chỉ với vài ba cây bút chì cùng hộp màu nước. Bên cạnh bức ký họa, tác giả Tăng Quang luôn để lại dòng miêu tả ngắn gọn cùng cảm xúc cho những điều mà anh cảm nhận được.
Các bác sĩ kiểm tra thân nhiệt 2 lần một ngày. |
Với tác giả Tăng Quang thì đây là khoảng thời gian thảnh thơi nhất từ khi bắt đầu cuộc sống du học sinh. Không cần hối hả đến trường, tất bật với những công việc, thậm chí là bỏ ngoài những vướng bận lo toan, toàn bộ thời gian tại khu cách ly tập trung là sự lặp lại đều đặn của các hoạt động: tập thể dục, kiểm tra sức khỏe, ăn uống, trò chuyện.
Trân trọng sự thiêng liêng từ hai tiếng “Tổ quốc”
Mọi người đều đặn chuyển nước uống, thức ăn hàng hóa… |
Khu cách ly đã trở thành một ngôi nhà chung để mọi người cùng sinh hoạt và đảm bảo an toàn trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Mỗi sáng luôn là khung cảnh của đoàn người nối nhau vận chuyển nước uống, đồ ăn.. Chỉ nhìn thôi cũng cảm nhận được sự vất vả nhưng ai nấy lúc nào cũng vui vẻ luôn mỉm cười.
Các y bác sĩ đã làm việc đầy áp lực để phân loại hơn 1000 mẫu xét nghiệm tại trung tâm cách ly. Nhưng chưa một lần to tiếng với mọi người, luôn động viên và sẵn sàng giải thích cho rất nhiều câu hỏi. Sau những ngày cách ly như thế, rất nhiều người đã xúc động để thốt lên rằng: “Chẳng có nơi nào ấm áp như đất nước mình”.
Các y, bác sĩ phân loại 1000 mẫu xét nghiệm. |
Cuốn sách được thực hiện theo phương thức song ngữ Việt – Anh, chứa đựng cảm xúc, tâm tư của một du học sinh về cuộc sống trong khu cách ly tập trung ,đan cài thêm một vài yếu tố giải trí. Để rồi sau “những ngày không quên” đó, tác giả Tăng Quang đã vô cùng xúc động khi chia sẻ: “Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng “gia đình”, “tổ quốc” và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương con vô điều kiện.
Cuốn sách “Con đã về nhà” ghi lại chân thực “dấu ấn” về một giai đoạn khó quên, nơi mà tinh thần dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, cùng nhau quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Qua đây tác giả Tăng Quang muốn truyền cảm hứng tích cực đến mọi người: trong khó khăn, chúng ta luôn đoàn kết, động viên để cùng chiến thắng đại dịch./.
0 nhận xét:
Post a Comment